LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CTXH NHƯ MỘT KHOA HỌC
Xã hội loài người luôn có những thành phần yếu kém như cô nhi, quả phụ, người tàn tật nghiện ngập…. Nhưng trong xã hội truyền thống đó là những yếu kém do cá nhân hay gia đình, không gây tác hại lớn cho xã hội. Đại gia đình, thôn ấp, làng xã luôn cưu mang giúp đỡ và làng xã xưa đã có những cơ chế như công điền công thổ để hỗ trợ những gia đình nghèo, neo đơn.
Nhưng với cuộc cách mạng công nghiệp ở Châu Âu, kéo theo tiến trình đô thị hóa, di dân v.v… các vấn đề xã hội phức tạp xuất hiện ở diện rộng là hậu quả của quá trình phát triển và của sự tương tác giữa các lãnh vực kỹ thuật kinh tế và xã hội. Sự yếu kém của một cá nhân là kết quả của mối tương tác giữa anh ta, gia đình và xã hội.
Ở Luân Đôn khi công nghiệp hóa bắt đầu nông dân di dân lên thành phố, sống xa gia đình, có thời gian rảnh rỗi thì bài bạc, nhậu nhẹt rồi sinh ra trộm cắp, đánh nhau, tội phạm đủ loại. Nữ công nhân thất nghiệp phải đi bán dâm. Trẻ em bị bóc lộc sức lao động… Từ đó xuất hiện những “Tổ chức Từ thiện” (Charity Organizations) với những trí thức tình nguyện gọi là “friendly visotors” đến viếng thăm, tặng quà, an ủi, khuyên lơn….họ .Nhưng các nhà tình nguyện này sớm phát hiện rằng việc làm của họ chẳng những không hiệu quả mà còn gây tính ỷ lại, gian dối (để nhận viện trợ). Họ nhận ra rằng vấn đề là phải giúp đối tượng tự thay đổi hành vi, tự cải tạo v.v.. Mà điều này thật là khó vì ép buộc hay ra lệnh hoặc dụ dỗ bằng vật chất người ta chỉ thay đổi nhất thời.Còn hỗ trợ tâm lý, khơi gợi sao cho họ hành động tự giác tự nguyện mới là điều cần làm. Công việc này hóa ra không dính líu gì với động cơ ban đầu của họ là công tác từ thiện mà ở Việt Nam ngày nay nhiều người còn hiểu lầm và đồng hóa vớiCTXH chuyên nghiệp. Mục đích của công việc mới này là làm sao cho đối tượng tự thay đổi, phục hồi. Từ đó CTXH là giúp người để người TỰ GIÚP. Nguyên tắc “TỰ GIÚP” (self help) đã trở thành nền tảng khoa học đầu tiên của ngành CTXH. Sau đó họ vận dụng các kiến thức từ tâm lý học, xã hội học v.v.. để có thể tác động có hiệu quả hơn đối với những người có vấn đề. Từ từ họ xây dựng những PHƯƠNG PHÁP đặc thù để làm việc với cá nhân, gia đình, nhóm nhỏ hay cộng đồng. Giúp những con người, nhóm, tổ chức yếu kém không đủ vì họ là nạn nhân của quá trình phát triển mà còn phải tác động vào các nguyên sản sinh ra vấn đề và tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ thân chủ trong quá trình tự thay đổi của họ… Tự đó phải có những dịch vụ xã hội (social services), những chính sách chương trình nhằm cải tạo xã hội, phòng ngừa các vấn đề xã hội và góp phần phát triển xã hội. CTXH đã phát triển song song với tâm lý học, xã hội học, và sau đó vận dụng khá nhiều kiến thức của các môn này nhưng không phải là con đẻ của Xã hội học như nhiều người lầm tưởng.
LÀ MỘT NGÀNH KHOA HỌC- CTXH CÒN LÀ MỘT NGHỀ
Nhân viên CTXH chuyên nghiệp (NVXH) ngoài việc trực tiếp với “thân chủ” còn là nhà quản lý (các tổ chức xã hội), nhà làm chính sách, nhà nghiên cứu, nhà biện hộ (advocates) cho thân chủ của mình. Họ hành nghề như các kỹ sư, bác sỹ với kiến thức và phương pháp riêng. Và trong chương trình đào tạo, thực hành có hướng dẫn (kiểm huấn, supervision) phải chiếm tối thiểu 40 % số tiết học. Người dạy CTXH trên lớp cũng như ở hiện trường (field instructor) phải là chuyên viên CTXH giỏi về lý thuyết và có nhiều kinh nghiệm thực hành. Dạy CTXH là TRUYỀN NGHỀ nên khó hình dung một người thầy không kinh nghiệm qua đào tạo chính quy mà có thể dạy được. Cũng như trong ngành Y sinh viên thực tập mong được theo học với các bác sỹ điều trị giỏi và những người này thường cũng là những giảng viên được đánh giá cao ở giảng đường. Thực tập và hướng dẫn thực tập là một quá trình riêng biệt, với mục đích giúp sinh viên NỐI KẾT LÝ THUYẾT VỚI THỰC TIỄN. Nó đi từ thấp đến cao để giúp sinh viên áp dụng lý thuyết và phương pháp làm việc với cá nhân, nhóm và cộng đồng hay cả xã hội.
Cũng như sinh viên y khoa phải được kèm cặp kỹ. Đây là những phương pháp đặc thù như những “ngón nghề” chỉ có thể học từ những người “thợ lành nghề” hay những “kỷ sư giỏi” trong ngành. Đó phải là những NVXH đi trước (senior social workers) mà nhà trường phải chọn lọc rất kỷ và phải trải qua nhiều khóa tập huấn để làm “kiểm huấn viên”. Một số trường chưa hiểu tưởng thực tập là thả sinh viên ra thực tế để các em tự bơi. Trong nghề chúng tôi rất ngại điều này vì ngày nay đa số cơ sở xã hội không đủ tiêu chuẩn chuyên môn và không được điều hành bởi người có nghề, nên sinh viên có nguy cơ học bậy. Và sau này rất khó sửa. Đó không khác nào đây sinh viên y khoa vào các bệnh viện nhếch nhác không đúng tiêu chuẩn. Để mở khoa Y người ta còn phải lo chuẩn bị những nơi thực tập đúng tiêu chuẩn nữa. Vì CTXH không thể “giết người” như ngành Y nên người ta còn mơ hồ nhưng có những cách làm gây tổn thương cho tâm hồn con người thì còn nguy hơn những hành động có hại đến thể xác của họ.
Thời gian thực tập còn là thời gian tối quan trọng để sinh viên nhập tâm đạo đức nghề nghiệp vì sinh viên được quan sát kèm cặp khá sát trong công việc của mình. Do đó không thể giao việc thực tập CTXH cho những người ngoài nghề. Đó không khác nào giao những kỷ sư tương lai cho một thầy giáo hóa hay sinh học dù họ có giỏi đến đâu đi nữa trong ngành nghề riêng của họ.
MỐI QUAN HỆ GIỮA CTXH VÀ CÁC NGÀNH KHOA HỌC XÃ HỘI KHÁC
Ta có thể so sánh mối quan hệ này với mối quan hệ giữa khoa Y và các khoa học tự nhiên khác. Lấy ví dụ như khoa Sinh. Không biết sinh học không thể nào làm bác sỹ được. Nhưng một học giả lổi lạc về sinh học cũng không thể chữa được bệnh. Sinh viên Y khoa không cần đi sâu về sinh học như một sinh viên sinh học nhưng phải học khối kiến thức riêng của ngành Y mới thành bác sỹ được. Cũng vậy sinh viên CTXH cần kiến thức Xã hội học và Tâm lý học như khoa học nền nhưng các nhà xã hội học hay tâm lý học không thể nào tự mày mò để trở thành nhà CTXH bởi họ không được đào tạo một cách có hệ thống nội dung riêng của CTXH như nội dung riêng của Y học ngoại trừ trường hợp họ dấn thân sâu vào thực hành CTXH và tự học thêm lý thuyết.
Nhà Xã hội học có thể biết nhiều nhưng rất vụng về trong tiếp xúc với thân chủ, còn nhà tâm lý hiểu rất sâu về con người nhưng có thể không biết phương pháp vận động và tổ chức quần chúng trong phát triển cộng đồng. Từ một ngành khoa học xã hội khác không thể đứng ngoài quan sát hay đọc sách mà hiểu CTXH lại càng nguy hơn khi họ giảng dạy mơn này.
CTXH không phải một mớ thông tin suông mà là một nghề mà ta phải “cảm nhận”, “nếm trãi” mới truyền lại được. Vì thật khó mà truyền đạt cái ta không biết thật sự hay “cho cái ta không có”. Và chỉ có thể cảm nhận bằng thực hành và thực hành có đối chiếu với lý thuyết. Có những người không phải bác sỹ biết chữa bịnh nhưng họ phải được công nhân bởi những hội đồng khoa học, được cấp chứng chỉ hành nghề.Nếu không khó phân biệt giữa lang bâm và nhà y học thật. Và điều này có hại cho xã hội.
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO VÀ NHỮNG PHẨM CHẤT ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NVXH CHUYÊN NGHIỆP
Như các ngành khác mà đối tượng phục vụ là CON NGƯỜI , người NVXH chuyên nghiệp phải đạt mục tiêu đào tạo trong 3 lĩnh vực.
1. KIẾN THỨC (knowledge K)
2. THÁI ĐỘ (Attitude – A)
3. KỸ NĂNG (Skills – S)
Ba yếu tố này luôn phải đi chung, không thể đứng một mình.
Nếu bạn chỉ có K (kiến thức) mà thôi bạn chỉ cởi ngựa xem hoa, nói thao thao bất tuyệt và khi bị đặt câu hòi thì bạn không thể trả lời được vì thiếu kinh nghiệm thực tế. Chỉ với kiến thức lý thuyết bạn không thể DẠY NGHỀ mà CTXH LÀ MỘT NGHỀ.
Nếu chỉ có S (skills- kỷ năng) bạn chỉ là thợ phụ, cầm dao cầm kéo phục vụ bác sĩ. Đó là trường hợp những người hành nghề mà không được đào tạo. Bạn chỉ có thể làm những chuyện nhỏ như vấn đàm, vãng gia v.v… Vì kỹ năng CTXH như kỹ năng tham vấn tâm lý đòi hỏi sự hiểu biết sâu xa về con người nói chung và sự thấu cảm với thân chủ trước mắt. Kỹ năng trong CTXH chính là sự kết hợp giữa kiến thức và thái độ có được thông qua một thời gian thực hành. Nhưng theo một giáo sư CTXH là chuyên gia Liên Hiệp Quốc nếu anh có A (attitude-thái độ) nghĩa là phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp thì anh có thể bắt đầu từ đây. Vì nếu có phẩm chất nghề nghiệp thì anh tôn trọng tối đa thân chủ nên không dám làm sai với họ. Từ đó anh phải tìm mọi cách để học tập đến nơi đến chốn. Như một người muốn trở thành thầy thuốc phải học hành đàng hoàng để không phải hại người.
Phẩm chất nghề nghiệp là gì ? Trước tiên đó là sự trung thực vì anh không thể giúp người khác trở lại với con người thật của họ nếu anh không thật với bản thân mình. Do đó anh không thể dạy một nội dung mà anh không thật sự nắm vững. Phẩm chất thứ hai là tôn trọng và chấp nhận thân chủ vô điều kiện. Điều này đòi hỏi sự kiên trì luyện tập nhất là qua thực tập vì trong mỗi chúng ta có đầy thành kiến, đầy tính chủ quan… Một bà thầy của tôi hay nhắc : “công cụ của anh thợ mộc hay thợ nề là cái bào cái bai còn công cụ của nhân viên xã hội là tính cách của bạn ; làm CTXH là sử dụng cái ngã của mình một cách có ý thức.” Tôi phải biết sở trường sở đoản của mình để làm chủ cảm xúc trong giao tiếp với thân chủ. Ở một trường CTXH đào tạo giáo dục viên làm CTXH với trẻ em tại Thụy Sĩ một trong các điều kiện nhập học là thử việc 6 tháng ở một cơ sở nuôi dạy trẻ. Nếu ứng viên nóng nảy, hay đánh trẻ thiếu nhạy bén với nhu cầu của trẻ…. Thì nhà trường khuyên nên đi học nghề khác. Khi Liên Hiệp Quốc giúp mở trường CTXH tại Saigon trước kia trong một ngàn thí sinh chúng tôi lọc còn 400 em qua thi viết. Qua phỏng vấn do 3 chuyên gia, chúng tôi chọn 45 thí sinh cho nhập học vì dự trù sẽ rơi rớt 5-7 em qua quá trình học tập. Cuộc phỏng vấn cho phép đánh giá về động cơ chọn nghề, hoàn cảnh và giáo dục gia đình, thái độ đối với con người và những vấn đề của con người v.v.. Và quả thật mấy tháng đầu học tập chúng tôi có khuyên một số em nên chuyển ngành. Đó chỉ mới là đầu vào. Suốt quá trình đào tạo phẩm chất được chăm chút hết sức chu đáo.
Hội nghề nghiệp của ngành CTXH có đòi hỏi cao khi kết nạp hội viên và có quyền khai trừ các hội viên không xứng đáng với tiêu chuẩn nghề nghiệp như y sĩ đoàn, luật sư đoàn… Chính hội này đánh giá giá trị các chương trình đào tạo chứ không phải tổ chức của nhà nước. Dựa theo đó cơ quan quản lý mới cấp giấy phép thôi.
KẾT LUẬN :
Để cho thấy CTXH không phải là công việc đơn giản như công tác từ thiện, hay những thông tin mang tính lý thuyết suông, tôi xin nêu lên định nghĩa mới nhất vềCTXH do Liên Đoàn Chuyên Nghiệp Xã Hội Quốc Tế công bố sau hội nghị thế giới năm 2000 như sau. CTXH CHUYÊN NGHIỆP THÚC ĐẨY SỰ THAY ĐỔI XÃ HỘI, GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ TRONG MỐI QUAN HỆ CON NGƯỜI VÀ GIẢI PHÓNG NGƯỜI DÂN, NHẰM GIÚP CHO CUỘC SỐNG CỦA HỌ NGÀY CÀNG THOẢI MÁI, DỄ CHỊU. VẬN DỤNG CÁC LÝ THUYẾT VỀ HÀNH VI CON NGƯỜI VÀ CÁC HỆ THỐNG XÃ HỘI, CTXH CAN THIỆP Ở NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG TÁC GIỮA CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA HỌ. NHÂN QUYỀN VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI LÀ HAI NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA NGHỀ.
Trước những vấn đề xã hội phức tạp đang lan rộng, đào tạo nhân viên xã hội chuyên nghiệp là một việc làm rất cần thiết. Song những người này chỉ làm được nhiệm vụ của họ khi trở thành chuyên nghiệp thật sự với kiến thức, kỷ năng chuyên môn và nhất là phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp vững chắc. Muốn vậy trước tiên phải đào tạo thầy dạy lý thuyết trên lớp học có kinh nghiệm thực hành, thầy dạy thực hành có lý thuyết (vì trong thực tập sinh viên học nối kết lý thuyết với thực tiễn). Kế đó là chuẩn bị cơ sở thực tập đúng tiêu chuẩn. Giáo trình là một vấn đề quan trọng nhưng tôi đặt người thầy có chuyên môn trước vì giáo trình chỉ là công cụ. Và người biết sử dụng công cụ mới là quan trọng. Nếu không sẽ có trường hợp đọc chép như đã xảy ra một cách phổ biến. Theo tôi người THẦY MỚI LÀ QUYỂN SÁCH LỚN, QUYỂN SÁCH SỐNG mà sinh viên cần để trở thành một người chuyên nghiệp.
Thà mất vài ba năm để đào tạo ra “bác sĩ giỏi” hơn là gấp rút sản xuất “lang băm”. Dù gì ta đã chậm hơn thế giới 100 năm và Saigon cũ hơn 50 năm. Khi ngành giáo dục đã bị phê bình nhiều về chất lượng đào tạo thiết nghĩ ta nên thận trọng với một ngành khoa học mới mà đối tượng lại là CON NGƯỜI. Đặc biệt không nên đa dạng hóa và “mơ hồ” hóa khoa học. Thời điểm hội nhập quốc tế đã đến ngay cả với ngành giáo dục. Rồi ta sẽ nói sao đây với Hiệp hội các trường CTXH Quốc tế và cả vùng CATBD nếu ngành CTXH của ta không đạt chất lượng? Đặc biệt các tổ chức này đã có quan hệ với VN trước kia.
“Hội nghị triển khai phát triển chương trình đào tạo ngành công tác xã hội do đại học và sau đại học phối hợp với UNICEF tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Cố Nguyễn Thị Oanh Th.Sĩ Phát triển Cộng đồng Ngày 26-27-28 tháng 01 năm 2005
Comments